12 bước quan trọng khi thành lập doanh nghiệp tại Canada

Thành lập doanh nghiệp và kinh doanh tại Canada là chuyện hệ trọng và ngay khi bắt đầu, có thể nhà đầu tư sẽ cảm thấy choáng ngợp vì có quá nhiều hạng mục công việc cần thực hiện. Để hệ thống lại trình tự cơ bản, chuyên gia Susan Ward, biên tập viên kinh tế giàu kinh nghiệm tại Canada đã có bài viết giúp nhà đầu tư nắm bắt 12 bước quan trọng từ lúc khởi đầu thành lập cho đến khi thực sự điều hành doanh nghiệp.

12 bước thành lập doanh nghiệp tại Canada

Susan Ward là biên tập viên của trang web nổi tiếng About.com (nay là Dotdash), chuyên viết về đề tài doanh nghiệp nhỏ tại Canada. Bà đã đạt giải thưởng “Nhân vật có sức ảnh hưởng đối với doanh nghiệp nhỏ” trong 4 năm liền từ 2011 đến 2014.

12 bước thành lập doanh nghiệp tại Canada có mối liên hệ với nhau theo trình tự nhưng cũng có một số linh hoạt ví dụ như bước thứ 3 vẫn có thể hoàn thành trước bước 2.

Lên ý tưởng kinh doanh tốt

Một doanh nghiệp thành công phải được bắt đầu bằng ý tưởng tốt, cho dù bạn đang có mặt tại Canada hay không. Mọi thứ cần bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ năng, kinh nghiệm của bạn, xem xét xu hướng hiện tại, tìm cách cải tiến các concept kinh doanh đã có hoặc đóng góp sáng kiến mới cho thị trường. Bạn cần xem xét và thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi thực sự đầu tư thời gian, tiền bạc nghiêm túc vào ý tưởng kinh doanh của mình.

Viết kế hoạch kinh doanh

Cách tốt nhất để thể hiện và kiểm tra ý tưởng của bạn là biến nó thành một kế hoạch kinh doanh chỉn chu. Điều này sẽ cho phép bạn rà soát thấu đáo mọi thứ về ngành nghề kinh doanh, sản phẩm và thị trường. Kế hoạch kinh doanh cũng giúp cung cấp cho bạn cơ sở chắc chắn để trình bày với các nhà đầu tư hay phía cho vay vốn. Đó là nơi biến ý tưởng kinh doanh thành kế hoạch cụ thể rõ ràng và giúp bạn biết phải triển khai như thế nào.

Trước khi khởi động doanh nghiệp của mình, bạn nên có một kế hoạch kinh doanh càng chi tiết, đầy đủ càng tốt để làm kim chỉ nam hướng dẫn trong quá trình thực hiện. Ngay từ đầu, một kế hoạch kinh doanh có thể cho biết rằng, ý tưởng của bạn có khả thi hay không.

Chọn tên cho doanh nghiệp

Chọn tên gọi cho doanh nghiệp cần cân nhắc yếu tố về pháp lý và quảng bá tiếp thị. Ở Canada, chính phủ đặt ra nhiều hạn chế về tên đối với các tập đoàn hơn là các công ty chỉ có 1 chủ sở hữu. Tuy nhiên, mọi chủ doanh nghiệp sẽ phải xem xét các vấn đề pháp lý khi đặt tên phải đăng ký với chính phủ Canada.

Về mặt quảng bá, tên doanh nghiệp nên truyền đạt những gì bạn kinh doanh theo cách trực quan, thú vị, dễ nhớ và mang tính tích cực.

Chọn hình thức sở hữu doanh nghiệp

Chỉ có ba hình thức sở hữu doanh nghiệp cơ bản mà bạn có thể chọn cho cấu trúc doanh nghiệp mới của mình là: quyền sở hữu duy nhất, công ty hợp danh và công ty cổ phần. Trong các hình thức này sẽ có một số lựa chọn như: cổ phần hợp tác (cooperative corporation) hoặc hợp danh hữu hạn (limited partnership). Quyết định cấu trúc công ty như thế nào để phù hợp với doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó liên quan đến tính pháp lý và hình thức khấu trừ thuế mà bạn muốn.

Lập kế hoạch kinh doanh
Lập kế hoạch kinh doanh càng chi tiết giúp nhà đầu tư hiểu rõ mình phải làm gì khi triển khai trong thực tế.

Tìm nguồn tài chính hoạt động

Trong khi một số người tự chủ nguồn vốn cho doanh nghiệp của mình thì nhiều trường hợp khác cần kêu gọi ngân sách để khởi đầu. Có nhiều lựa chọn để huy động vốn như: vay nợ, chia sẻ cổ phần, tìm tài trợ của chính phủ. Do đó, bạn cần hiểu rõ sự khác biệt giữa từng loại tài chính. Hãy chắc chắn rằng mình đã sẵn sàng để giải quyết các nghĩa vụ và vấn đề phát sinh xung quanh việc chọn sử dụng nguồn vốn nào.

Xin giấy phép kinh doanh

Tại Canada, nhiều doanh nghiệp mới sẽ cần phải có giấy phép kinh doanh trước khi hoạt động hợp pháp tại khu vực đặt doanh nghiệp. Nếu thành phố hoặc thị trấn nơi đặt trụ sở kinh doanh không có trang web chính thức của chính phủ, bạn có thể tìm thông tin liên hệ các cơ quan này thông qua các đại lý trực tuyến.

Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, bạn cũng có thể cần các giấy phép thông thường và một số loại đặc biệt khác. Cổng thông tin BizPaL của Bộ Công nghiệp Canada là một công cụ trực tuyến hữu ích để tìm hiểu những loại giấy phép nào bạn sẽ cần có để kinh doanh tương ứng với ngành nghề của mình. BizPaL giúp cung cấp một danh sách tài liệu kinh doanh theo quy định của các cấp chính quyền ở hầu hết các tỉnh bang và vùng lãnh thổ Canada tương ứng với nhu cầu tìm kiếm của bạn.

Đăng ký Thuế hàng hóa & dịch vụ và thuế tiêu thụ hài hòa GST / HST

Trừ khi thu nhập gộp của doanh nghiệp mới của bạn ở mức dưới 30.000 CAD trong bốn quý liên tiếp, nếu không bạn sẽ phải đăng ký thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và thuế tiêu thụ hài hòa (HST). Ngưỡng miễn trừ dành cho các nhà cung cấp quy mô nhỏ nói trên không phải áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Điển hình như dịch vụ xe taxi, xe limousine không được miễn mà phải luôn đăng ký GST/HST.

Ngay cả khi bạn không kiếm được nhiều tiền trong thời gian đầu kinh doanh, bạn vẫn sẽ muốn đăng ký GST / HST ngay vì Tín dụng thuế đầu vào (Input Tax Credits). Về cơ bản đó là cách bạn lấy lại GST / HST mà doanh nghiệp của bạn đã chi trả khi mua cho mục đích sử dụng kinh doanh.

Đăng ký thuế bán hàng tỉnh bang (nếu có)

Một số tỉnh chưa thống nhất thuế bán hàng với GST liên bang. Vì thế, tại các tỉnh đó, bạn cũng sẽ phải đăng ký để thu và nộp thuế tỉnh bang phù hợp. Nếu bạn đang bắt đầu kinh doanh tại Alberta, British Columbia, Manitoba hoặc Saskatchewan, bạn sẽ cần phải đăng ký làm người thu thuế bán hàng của tỉnh (PST). Tại Quebec, bạn sẽ cần phải đăng ký Thuế Bán hàng Quebec (QST).

Chuẩn bị thuê nhân viên

Trong kế hoạch kinh doanh, việc thuê nhân viên là bước tiếp theo sau khi những hạng mục khác đã hoàn tất. Nhưng việc này sẽ đến rất nhanh và bạn cần tính toán kỹ lưỡng. Đầu tiên, bạn cần đáp ứng điều kiện và được bảo vệ hợp pháp để thuê nhân viên tại Canada. Những công việc này bao gồm xử lý các khoản khấu trừ tiền lương, bảo hiểm lao động, bảo hiểm việc làm…

Mua bảo hiểm kinh doanh bổ sung

Ngoài bảo hiểm việc làm được yêu cầu bắt buộc, doanh nghiệp của bạn có thể cần được bảo vệ bổ sung bằng các hình thức bảo hiểm khác. Có nhiều chính sách bao gồm tài sản, trách nhiệm chung, gián đoạn kinh doanh, người chủ chốt, người khuyết tật. Hãy chắc chắn rằng, bạn đã thảo luận về điều này với một đại lý bảo hiểm và luật sư uy tín để xác định những lựa chọn nào phù hợp với doanh nghiệp của bạn.

Tổ chức tốt hồ sơ từ sớm

Nếu bạn tổ chức tốt việc quản lý hồ sơ ngay từ lần đầu tiên mở doanh nghiệp, những việc như kế toán và nộp thuế về sau trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bắt đầu bằng cách mở một tài khoản ngân hàng kinh doanh, lưu giữ và tổ chức các hóa đơn kinh doanh của bạn kỹ lưỡng. Sử dụng một phần mềm kế toán cơ bản sẽ giúp bạn quản lý và mở rộng quy mô kinh doanh khi nó phát triển.

Quảng bá doanh nghiệp

Sau tất cả các công việc bạn đã tổ chức và khởi động việc kinh doanh ​​của mình, đừng quên một trong những bước quan trọng nhất: thúc đẩy doanh nghiệp bằng cách quảng bá. Bạn nên có kế hoạch chiến lược tiếp thị ngay trong bước thực hiện kế hoạch kinh doanh và triển khai ngay khi doanh nghiệp hoạt động. Bắt đầu chuyển những kế hoạch thành mục tiêu và các sáng kiến ​​tiếp thị cụ thể để có thể đưa doanh nghiệp của mình khởi đầu tốt đẹp.

Tác giả: Susan Ward (Theo The small Business)
Đón xem phần tiếp theo: Thành lập doanh nghiệp tại Canada dành cho người nước ngoài


4 bước cơ bản khi thành lập doanh nghiệp mới tại Canada

CNW rất vui khi được đồng hành cùng khách hàng trong quá trình định cư và ổn định cuộc sống tại Canada. Các cá nhân và gia đình có bất kỳ nhu cầu được tư vấn về chương trình BC PNP cũng như tất cả các chương trình định cư, xin mời để lại thông tin vào form bên dưới hoặc liên hệ 0908835533 để được tư vấn 1:1 và hỗ trợ nhanh nhất.


Xem thêm tin liên quan: